Đau lưng không chỉ cảnh báo cột sống có vấn đề, chúng còn là triệu chứng của các bệnh trong ổ bụng như viêm ruột thừa, sỏi thận, u xơ tử cung, viêm tụy.

Phần lớn các cơn đau lưng do tổn thương một hoặc nhiều thành phần cấu trúc của cột sống thắt lưng và vùng xương cụt. Trong đó, ta thường gặp nhất là thoái hóa các đĩa đệm, thoát vị đĩa đệm, trượt thân đốt sống, viêm khớp cùng chậu, các khối u cột sống, loãng xương… Tuy nhiên, tổn thương các cơ quan trong bụng hoặc tiểu khung cũng gây nên tình trạng đau lưng. Nếu chúng ta không lưu tâm và khám xét toàn diện, nguy cơ bỏ sót những tổn thương này có thể xảy ra.

Dưới đây là chia sẻ của bác sĩ Trần Quốc Khánh, Khoa phẫu thuật cột sống, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Hà Nội, về những tổn thương trong bụng có thể gây đau lưng.

Sỏi thận - sỏi niệu quản

Thận là cơ quan hình hạt đậu nằm ở hai bên của cột sống. Thông thường, mỗi người có hai quả thận nằm ở hai bên, có người chỉ có duy nhất một thận, cũng có người thêm một thận phụ. Khi nước tiểu có nồng độ cao của khoáng chất và muối, sỏi với những kích thước khác nhau có thể hình thành trong thận. Sỏi không phải lúc nào cũng gây đau. Tuy nhiên, khi chúng lớn sẽ làm tắc nghẽn hoặc di chuyển trong thận, đi qua niệu quản gây đau lưng rõ rệt.

Đặc điểm của cơn đau sỏi thận - niệu quản bao gồm đau lệch một bên cột sống, cơn đau kèm buồn nôn, vã mồ hôi, lăn lộn hoặc đau tức âm ỉ tăng dần, có thể kèm theo tiểu máu. Siêu âm hệ thận tiết niệu kèm chụp X-quang hệ tiết niệu thường quy sẽ cho chúng ta kết luận. Với trường hợp khó chẩn đoán hơn, bác sĩ sẽ chụp cắt lớp vi tính (CT scanner) ổ bụng - hệ tiết niệu.




Khi sỏi lớn gây tắc nghẽn hoặc di chuyển trong thận, đi qua niệu quản sẽ gây đau lưng rõ rệt. Ảnh: Upcoming.

Nhiễm khuẩn thận - hệ tiết niệu

Thận cũng dễ bị nhiễm virus và vi khuẩn. Những nhiễm trùng này thường do vi khuẩn xâm nhập vào niệu đạo từ đường ruột và ngược dòng đi lên bàng quang-thận, hoặc từ dòng nước tiểu bị tắc do sỏi thận, khối u và các vấn đề đường tiết niệu khác. Nhiễm trùng thận có thể gây viêm và đau tức ở hai bên lưng, tùy thuộc vào thận nào bị nhiễm trùng. Các triệu chứng khác bao gồm sốt, cơ thể nhiễm trùng, tiểu đục, tiểu buốt. Siêu âm kèm xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu cho ta chẩn đoán xác định bệnh.

U sau phúc mạc

Đây là những khối u bất thường xuất hiện giữa khoang ổ bụng và cột sống lưng (sau phúc mạc). Vì vậy, những tổn thương này thường gây đau lưng sớm hơn hoặc kèm theo đau bụng.

U sau phúc mạc có thể bắt nguồn từ bào thai, u thần kinh nội tiết, u lympho bạch huyết, u tế bào mầm, hoặc những khối ung thư di căn. Ngoài triệu chứng đau lưng, tùy vị trí và tính chất khối u, bệnh nhân sẽ có những triệu chứng kèm theo tương ứng. Để chẩn đoán bệnh, bạn sẽ được siêu âm kết hợp chụp cắt lớp vi tính ổ bụng và sinh thiết.

U xơ tử cung

U xơ tử cung là khối u đặc và thường lành tính, phát triển trên thành tử cung. Nguyên nhân của u xơ tử cung vẫn chưa được biết, tuy nhiên, chúng được kiểm soát bởi kích thích tố, đặc biệt là estrogen và progesterone.



Bác sĩ Trần Quốc Khánh. Ảnh: BSCC.

U xơ tử cung có thể thay đổi về kích thước và các triệu chứng. Một số bệnh nhân bị u xơ không gặp bất kỳ triệu chứng nào, hoặc có thể bị đau lưng dưới, kinh nguyệt bất thường, rong kinh rong huyết, đi tiểu thường xuyên. Siêu âm ổ bụng thường đánh giá được tổn thương này.

Bệnh lạc nội mạc tử cung

Lạc nội mạc tử cung là một tình trạng bệnh lý phụ khoa khác có thể dẫn đến các triệu chứng đau lưng thấp. Bệnh xảy ra khi nội mạc tử cung, mô tế bào tử cung phát triển bên ngoài tử cung, phổ biến nhất là ở trong buồng trứng và ống dẫn trứng. Bệnh lạc nội mạc tử cung có thể dẫn đến đau lưng thấp, không thường xuyên nhưng dữ dội và vật vã. Nguyên nhân của lạc nội mạc tử cung vẫn đang được nghiên cứu. Siêu âm và khám sản phụ khoa thường chẩn đoán được căn bệnh này.
Viêm loét đại tràng

Đây là một tổn thương mãn tính dẫn đến tình trạng viêm và loét chủ yếu ở ruột già, còn được gọi đại tràng. Các triệu chứng của viêm loét đại tràng bao gồm đau lưng, đau bụng, có thể được cảm nhận ở một hoặc cả hai bên của cơ thể, kèm tiêu chảy, đau trực tràng và gầy sút cân.

Các nhà nghiên cứu vẫn chưa biết chính xác nguyên nhân gây viêm loét đại tràng, nhưng một số yếu tố di truyền và môi trường có thể đóng một phần vai trò gây bệnh. Bạn nên nội soi toàn bộ đường tiêu hóa định kỳ để phát hiện sớm và điều trị căn bệnh này.

Viêm ruột thừa

Một tình trạng viêm phổ biến khác có thể gây đau lưng thấp là viêm ruột thừa. Ruột thừa nằm ở phía dưới, bên phải của bụng. Đau từ viêm ruột thừa thường cảm thấy ở phía bên phải của bụng và lưng thấp. Các triệu chứng viêm ruột thừa kèm theo bao gồm sốt, cơ thể nhiễm trùng, hơi thở hôi, ấn vào vùng hố chậu bên phải đau tăng. Bệnh nhân được khám bởi các bác sĩ ngoại khoa, siêu âm và xét nghiệm máu sẽ cho chẩn đoán xác định.

Viêm ruột thừa là một cấp cứu ngoại khoa. Khi đã chẩn đoán xác định, bệnh nhân cần được mổ cấp cứu ngay, tránh ruột thừa vỡ gây nhiễm trùng khắp ổ bụng, sốc nhiễm trùng, tử vong.
Viêm tụy

Đau lưng dưới có thể là triệu chứng của viêm tụy (viêm tuyến tụy). Tuyến tụy là một tuyến nhỏ, nằm vắt qua cột sống lưng, giúp tiêu hóa và điều hòa lượng đường trong máu. Khi các enzym tiêu hóa của tụy gây phản ứng ngay trong tụy, viêm tụy xảy ra.

Viêm tụy có thể cấp tính (ngắn hạn) hoặc mạn tính (dài hạn) và gây đau bụng trên, lan rộng đến lưng dưới, kèm theo sốt, buồn nôn, ói mửa. Đây là một trong những bệnh lý tiêu hóa phức tạp, tiên lượng nặng với những bệnh nhân viêm tụy cấp, điều trị vất vả ở trường hợp viêm tụy mạn tính. Siêu âm ổ bụng, xét nghiệm men tụy và chụp cắt lớp vi tính ổ bụng giúp chẩn đoán và tiên lượng bệnh.

Đăng nhận xét

 
Top